Tránh rủi ro "làn sóng dịch" thứ 2
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng trong thời gian tới chính quyền và người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội, không được lơ là, chủ quan; kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch); phát hiện sớm ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", hoàn thiện các phác đồ điều trị bệnh nhân, cập nhật các phương án chống dịch và bảo đảm nguồn lực (vật tư, trang thiết bị, nhân lực) cho phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ảnh: QUANG HIẾU
Tại cuộc họp, một số địa phương, trong đó có Hà Nội, TP HCM đề nghị kéo thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1 tuần hoặc tới ngày 30-4 như Hà Nội, TP HCM…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sau khi lấy ý kiến của ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương và các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các ban chỉ đạo này đều xét thấy cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội. Cụ thể, có 8 địa phương được lấy ý kiến cho rằng cần kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4; 2 địa phương đề nghị kéo dài đến hết tháng 5 và 3 địa phương mong muốn tạm dừng thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15-4. Theo ông Long, đại diện các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng thống nhất tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn sau ngày 15-4, Thủ tướng có thể ban hành chỉ thị mới dựa trên tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế - xã hội của từng tỉnh.
Về việc hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng cần tiếp tục duy trì biện pháp này đến ngày 30-4, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tránh rủi ro "làn sóng dịch" thứ 2 đối với Việt Nam.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tăng cường thanh toán không sử dụng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cần đề xuất công cụ làm việc trực tuyến mới và phù hợp để phục vụ việc giãn cách xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương đã có các biện pháp kiên quyết về cách ly xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trong Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, trong khi đa số người dân tuân thủ yêu cầu cách ly thì ở nhiều nơi, người dân tuân thủ chưa nghiêm, thậm chí một số cửa hàng dịch vụ thuộc nhóm phải đóng cửa đã mở cửa trở lại.
Nhấn mạnh đây là điều rất nguy hiểm, nhất là khi dịch đã lây lan trong cộng đồng mà thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) là một ví dụ điển hình, Thủ tướng quán triệt không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Cả nước thực hiện nghiêm trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài. "Chúng ta nói mục tiêu kép nhưng ưu tiên là bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đó là nguyên tắc tối thượng hiện nay. Chính vì thế, việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 trong giai đoạn này là rất quan trọng. Đến ngày 15-4, chúng ta sẽ xem xét cụ thể để xử lý căn bản hơn trên cơ sở đề nghị các cấp, ngành và Ban Chỉ đạo" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngăn chặn tối đa nguồn lây từ nước ngoài
Thủ tướng còn lưu ý việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đám đông và một số quy định khác cần tiếp tục được thực hiện tại các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn và những địa phương có dịch. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương của mình, trong ngành của mình, tại cơ sở sản xuất kinh doanh. "Chỉ thị 16 vẫn có hiệu lực trên đất nước ta, nếu chúng ta lơi lỏng sẽ xóa đi thành quả của Đảng, nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam đã dày công trong suốt thời gian qua" - Thủ tướng nhắc nhở.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục khóa chặt nguồn lây bên ngoài, khoanh chặt ổ dịch bên trong, khoanh vùng dập dịch nhanh, hiệu quả là cần thiết. Ban Chỉ đạo hướng dẫn thành lập 63 đội truy tìm và dập dịch ở 63 địa phương cả nước, phát hiện nhanh để dịch không lây ra cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ở khu công nghiệp, đối với công nhân, người yếu thế, các công trường thi công, tăng cường bảo hộ an toàn.
Nhấn mạnh chủ trương hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam có lộ trình chặt chẽ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là phải ngăn chặn tối đa nguồn lây từ nước ngoài.
Theo đề xuất của Bộ TT-TT về triển khai các ứng dụng để hạn chế dùng tiền mặt trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao Bộ TT-TT và Ngân hàng Nhà nước phối hợp triển khai. Thủ tướng cũng đồng ý để các bộ, ngành phối hợp triển khai khám, chữa bệnh trực tuyến tại 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh; giao Bộ TT-TT hoàn thiện và đưa vào phần mềm giám sát và tìm các đối tượng nghi nhiễm. Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang, trang thiết bị y tế cho các nước đang cần, trên tinh thần bảo đảm nhu cầu phòng chống dịch trong nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về việc học và thi của các cấp để có quyết định cụ thể và phù hợp. Bộ Công an, nhất là công an các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, trong đó điều tra xử lý nghiêm một số vụ vi phạm như các vụ đua xe trái phép.
Theo báo Người lao động